Cây Ngũ Trão

Hoàng kinh 黄荆 , Mẫu Kinh 牡荆 Ngành: Ngọc Lan (Magnoliophyta)
Bộ: Hoa môi (Lamiales)
Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)
Chi: Vitex

Tên khoa học: Vitex negundo L.

Tên khác: Hoàng kinh, Quan âm. còn gọi là ngũ trảo, mẫu kinh,ngũ trảo phong, chân chim.

Tên đồng nghĩa: Vitex paniculata Lamk., V. Arborea Desf., V. Spicata Lour.

Tên nước ngoài: Five-leaved, chaste-tree, Indian privet, Gattilier incise.
Tính vị quy kinh:

Mẫu kinh căn (rễ): Khí bình, vị cam khổ, tân, không độc.
Chữa được chứng nhức đầu, và mọi chứng phong đơn, đau khắp thân thể, lại giải được cơ biểu, phát ra mồ hôi.
Mẫu kinh hành (thân): Chữa được chứng nóng lỡ loét nát cả ra, da nóng như đốt.
Rễ dùng sắc uống trị bệnh sốt rét, giã nát lấy nước uống trị ho.Vỏ cây giúp ăn ngon cơm, dễ tiêu hóa, chữa hen suyễn.
Mẫu Kinh Diệp (lá): vị khổ (đắng), tính lương (mát). Lá được dùng trị nhức mỏi gân cốt, trị sốt cách nhật, dùng tắm trị phù thủng, bán thân bất toại và bại liệt. Nấu lá xông hoặc dùng lá khô làm thuốc hút cho bớt nhức đầu. Có thể kết hợp với kinh giới, từ bi, bạc hà nấu xông có thể làm thư giản thần kinh giải cảm.
Lá kết hợp với hậu phác, long đởm thảo, tiêu đờm, suyễn trị ho, gia cam thảo trị viêm họng.
Kết hợp với sinh khương (gừng tươi) trị đau bụng, khó tiêu, đau bụng kinh, rối loạn tiêu hóa.
Kết hợp với lá lốp, từ bì, lá thảo nam sơn. Tất cả phơi khô khi dùng sao lên cho nóng vừa, dùng để bó vào khớp gối, chữa sưng khớp, đau khớp
Trị đau lưng do gai cột sống: Lá cây đại tướng quân, lá ngũ trảo, bồ công anh. Cả 3 loại đem giã thật nhỏ với ít muối, sau đó trộn với ít rượu trắng khoảng 40 độ và xào nóng lên rồi đắp vào vùng cột sống bị đau.
Kinh nghiệm nhân gian dùng lá ngũ trảo nhai đắp chữa bị rắn cắn.

Theo thử nghiệm hiện đại trích tinh cồn của Ngũ trảo trên nọc rắn lục Vipera russellii và rắn hổ Naja kaouthia cho thấy có tác dụng trung hòa nọc của chúng.
Nước sắc, hoặc tinh chất chiết bằng cồn. Lá Ngủ Trảo có tính năng chống trực khuẩn, kháng khẩn, trừ lăng quăng.

Quả: Vị khổ (đắng), tân (cay), tính ôn (ấm).

Chữa được chứng nóng lạnh ở trong xương, thông lợi được dạ dày, chữa được chứng ho, hạ được khí xuống. Quả, hạt sắc nước cho phụ nữ uống chữa kinh nguyệt không đều, bạch đới, cho ra mồ hôi, bớt nhức đầu, tim, hen suyễn
Quy kinh: Phế, Vị, Đại tràng.
Công dụng và chủ trị:
Mô tả: Cây gỗ nhỏ mọc đứng, cao 3-4 m. Thân non tiết diện vuông rồi từ từ tròn, màu xanh, nhiều lông mịn màu trắng; thân già màu xám nâu hay xám đen.
Lá mọc đối, không có lá kèm, kép chân vịt, thường có 5 (ít khi 3 hay 7) lá chét không đều, lá chét ở giữa to nhất. Cuống chung dài 3-5 cm, hơi phình ở gốc, mặt trên lõm, màu xanh, rất nhiều lông mịn. Lá chét có phiến hình trái xoan, ngọn có đuôi, gốc thuôn, mặt trên màu xanh lục sậm ít lông, mặt dưới đầy lông mịn màu trắng bạc; lá chét giữa dài 9-10 cm, rộng 2-3 mm, có 12-15 đôi gân bên; các lá chét ở bên dài 5-8 cm, rộng 1,5-2,5 cm, có 5-10 đôi gân bên cong về phía ngọn lá; mép lá nguyên; gân lá hình lông chim nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá chét dài 5-15 mm, phía trên lõm thành hình lòng máng, có nhiều lông mịn; 2 lá chét ở gốc gần như không cuống.
Cụm hoa hình chùy ở ngọn cành ít khi ở nách lá, dài 10-20 cm, phân nhánh đối nhau, tận cùng nhánh là các xim 2 ngã gồm 3 hoa, hoa giữa gần như không cuống, 2 hoa bên có cuống.
Hoa nhỏ, màu tím nhạt, không đều, lưỡng tính, mẫu 5; cuống hoa bên dài 2-4 mm, màu xanh, phủ đầy lông mịn; lá bắc và lá bắc con nhỏ, dạng vảy hình tam giác, màu xanh nâu, nhiều lông mịn màu xám. Lá đài 5, màu xanh, dính nhau ở phía dưới thành ống hình chuông dài 2 mm, có 5 cạnh do mỗi lá đài có một gân dọc nổi rõ ở mặt ngoài, trên chia 5 phiến hình tam giác dài 0,5 mm, mặt ngoài nhiều lông mịn màu xám, tiền khai van. Cánh hoa 5, mặt ngoài đầy lông mịn màu xám; dính nhau bên dưới thành ống dài 5 mm, mặt trong rất nhiều lông dài và nhiều sọc dọc màu tím sậm; bên trên chia thành 2 môi kiểu 2/3: môi trên 2 thùy nhỏ, tròn, màu tím rất nhạt gần như trắng, môi dưới 3 thùy, thùy giữa dài và to hơn 2 thùy bên, màu tím sậm ở mặt trong, màu vàng và nhiều lông dài ở gốc phía trong, 2 thùy bên tròn, màu tím nhạt, tiền khai lợp. Nhị 4, thò ngắn khỏi ống tràng, rời, không đều với 2 nhị dài ở phía trước và 2 nhị ngắn ở phía sau (bộ nhị kiểu 2 trội), đính vào gần gốc ống tràng, xen kẽ cánh hoa; chỉ nhị dạng sợi, màu trắng, dài 4-6 mm, nhiều lông dài ở gốc; bao phấn hình bầu dục, màu tím sậm, 2 ô dạng ra, đính đáy, hướng trong, nứt dọc. Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình bầu dục thuôn có rãnh dọc ở giữa, có 2 kích cỡ: hạt to dài 37-50 µm, rộng 25-32 µm, hạt nhỏ dài 20-25 µm, rộng 10-18 mm. Lá noãn 2, dính nhau tạo thành bầu trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ, một vách giả xuất hiện giữa 2 noãn ngăn thành bầu 4 ô; bầu hình cầu, màu xanh, nhẵn, đỉnh có tuyến như hạt cát; vòi nhụy 1, đính trên bầu, hình sợi, dài 5 mm, màu tím, đỉnh xẻ 2 thùy; đầu nhụy màu tím sậm.
Quả hạch, hình cầu, đường kính 3-4 mm, khi chín có màu đen, mang đài tồn tại.

Phân bố, sinh học và sinh thái: Phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Ở nước ta, cây mọc từ Lạng Sơn đến Kiên Giang.
Mùa hoa quả tháng 5-7.

Thành phần hoạt chất:

Tinh dầu Ngũ trảo chứa sabinen, linalool, terpinen-4-ol, b-caryophyllen, a-guain và globulol… B-caryophyllen thường có trong lá, hoa và trái khô.
Lá chứa alkloid nishindin, flavon, luteolin-7-glucosid, casticin, iridoid.
Hột chứa hydrocarbon, b-sitosterol, benzoic acid và phthalic acid, glycosid, và diterpen, flavonoid, triterpenoid có tác dụng kháng viêm.

Thí nghiệm hiện đại tham khảo:
Thử nghiệm cho thấy có tính kháng sinh đối với Bacillus subtilis, Escherichia coli, Salmonella typhi, Vibrio mimicus, Staphyllococcus aureus, Proteus vulgaris, Proteus aeruginosa, và 3 loài nấm (Aapergillus niger, Aspergillus flavon, Candida albicans). Nước sắc hoặc rượu Ngũ trảo có tác dụng kháng sinh trên các vi khuẩn trên trị trúng thực, sình bụng, tiêu chảy, huyết trắng, nhiễm trùng da… Để diệt nấm thì nước sắc tốt hơn cồn (gội đầu trị nấm tóc, nước sắc để rửa âm đạo trị Candida albicans). Tinh dầu hoặc nước sắc lá Ngũ trảo có thể diệt lăng quang, chống muỗi.
– Chống oxy hóa: trích tinh bằng cồn ethyl lá Ngũ trảo cho thấy có tác dụng chống oxy hóa, kể cả giảm sự oxy hóa chất béo. 12 g trà Ngũ trảo hàng ngày giúp kéo dài tuổi thọ.
– Chống co giật: nghiên cứu cho thấy Ngũ trảo có tác dụng chống co giật, nó làm giảm pentylenetetarazole là chất gây ra cơn co giật.
– Bảo vệ gan và dạ dày: Ngũ trảo có tác dụng bảo vệ màng nhầy ruột và gan (trị viêm gan, đau dạ dày). Nhưng tránh dùng liều cao vì gây độc tế bào.
– Tác dụng giải lo: ở liều 6 g lá Ngũ trảo khô có tác dụng an thần, chống stress và làm dễ ngủ.
– Tác dụng chống nghiện: hột Ngũ trảo phơi khô, tán mịn ngâm rượu có tác dụng chống cơn nghiện ma túy, rượu, thuốc lá do tính kháng viêm giảm đau và an thần của nó.
– Tính kháng vi tơ trùng: trích tinh rễ Ngũ trảo có tính làm bất động vi tơ trùng Brugia malayi (gây bệnh phù chân voi).
Cách chế xi rô: Ngũ trảo: 4 muỗng canh vun bột lá Ngũ trảo cho vào 4 ly nước (1 lít). Đun sôi 50 phút. Lọc lấy nước cốt và thêm 1 ly mật ong. Đun nhỏ lửa trong nồi sứ cho đến khi có độ sệt dạng xi rô để nguội cho vào chai màu nâu đậy nút kín để dành. Trị ho trẻ con mỗi lần 1 – 2 muỗng cà phê, ngày 3 lần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *