PHƯƠNG PHÁP CHẨN MẠCH TỪNG CUNG BỘ
Chẩn mạch chia ngôi bậc – định rõ phần tạng phủ như sau:
- Tay trái:
– Thốn bộ: Tâm – Tiểu Trường
– Quan bộ: Can – Đởm
– Xích bộ: Thận
- Tay phải:
– Thốn bố: Phế – Đại Trường
– Quan bộ: Tỳ – Vị
– Xích bộ: Mệnh Môn – B.Quang, Tâm Bào – Tam Tiêu
ĐIỂM CỐT YẾU KHI XEM MẠCH LỤC PHỦ NGŨ TẠNG
3 ngón tay là 3 bộ vị
– Ngón trên hết: Thốn bộ
– Ngón thứ 2 : Quan bộ
– Ngón thứ 3 : Xích bộ
Thoạt đầu để tay nhè nhẹ ( = 3 hạt đậu ) để nghe mạch Phổi – Chủ bì mao
Ấn nặng ( = 6 hạt đậu ) để nghe mạch Tim – chủ huyết mạch
Ấn nặng ( = 9 hạt đậu ) để nghe mạch Tỳ – Chủ cơ nhục
Ấn nặng ( = 12 hạt đậu ) để nghe mạch Can – chủ gân
Ấn nặng ( = 13 hạt đậu ) nghe mạch Thận – Chủ xương
Chú ý:
– Người cao để 3 ngón tay thưa rộng ra
– Người bình thường để 3 ngón tay vừa
– Người thấp lùn để 3 ngón tay khít lại
MẠCH QUAN HỆ BIỂU LÝ VỚI TẠNG PHỦ.
Tay trái:
1. Tâm – Tiểu Trường (quan hệ biểu – lý)
( Tiểu Trường là phủ của Tâm )
– Trầm là mạch của Tâm
– Phù là mạch của Tiểu Trường.
Vượng ở mùa hè, định vị ở thốn bộ tay trái.
2. Can – Đởm (Quan hệ Biểu – Lý)
( Đởm là phủ của Can)
– Trầm là mạch của Can
– Phù là mạch của Đởm
Vượng vào mùa xuân, định vị ở bộ quan tay trái.
3. Thận – Bàng Quang ( Biểu – Lý )
(Bàng Quang là phủ của Thận )
– Trầm là mạch của Thận
– Phù là mạch của B. Quang
Vượng vào mùa đông, định vị ở bộ xích tay trái.
Tay phải:
1. Phế – Đại Trường ( Biểu – Lý )
( Đại Trường là phủ của Phế )
– Trầm là mạch của Phế
– Phù là mạch của Đại Trường
Vượng vào mùa thu, định vị ở bộ thốn tay phải
2. Tỳ – Vị ( Biểu – Lý )
( Vị là phủ của Tỳ )
– Trầm là mạch Tỳ
– Phù là mạch Vị
Vượng vào 4 mùa, định vị ở bộ quan tay phải.
3. Mệnh Môn – Tam Tiêu ( Biểu – Lý )
( Tam Tiêu là phủ của Mệnh Môn )
– Trầm là mạch của Mệnh Môn
– Phù là mạch của Tam Tiêu
Vượng ở mùa hè, định vị ở xích bộ tay phải.
TÁM MẠCH ĐẠI CƯƠNG
Tám mạch đại cương theo sự thông thương và giản dị. Đây là 8 mạch cần thiết dễ hiểu.
1. Mạch Phù
Lấy tay để lên trên da mà thấy được ngay, gọi là mạch Phù
Chủ bệnh ngoài da ( Biểu bệnh ).
2. Mạch Trầm
Lấy tay ấn mạnh xuống dưới làn da mới thấy, gọi là mạch Trầm. Chủ bệnh bên trong ( Lý bệnh).
– Hai phép trên do để tay nhẹ nặng mà biết mạch
3. Mạch Trì
Đặt tay vào bộ vị, nghe mỗi hơi thở của minh mà mạch đến 3 lượt hoặc chỉ có 1 – 2 lượt, gọi là mạch Trì. Chủ bệnh hàn ( Lạnh )
4. Mạch Sác
Đặt tay vào bộ vị, nghe mỗi hơi thở của minh, mạch đến 5 – 6 lần hay 7 lần, gọi là mạch Sác. Chủ bệnh nhiệt ( Nóng )
– Hai phép trên do sự chậm – mau, nhiều ít để phân biệt mạch
5. Mạch Tế
Đặt tay vào bộ vị, thấy mạch chỉ nhỏ tăm tắp như sợi tơ, gọi là mạch Tế
Chủ bệnh hư
6. Mạch Đại
Đặt tay vào bộ vị, thấy mạch nổi cồn to lên dưới ngón tay gọi là mạch Đại. Chủ bệnh thực.
– Hai phép trên là do sự hình dung lớn – nhỏ mà phân biệt.
7. Mạch Đoản
Đặt tay vào bộ vị, thấy mạch ngắn ngủi, phía ngoài chưa đến Thốn – phía trong mạch không đến Xích, gọi là mạch Đoản. Chủ người bẩm thụ yếu kém, khí huyết suy nhược.
8. Mạch Trường
Đặt tay vào bộ vị, thấy mạch kéo dài, phái ngoài quá Thốn bộ, phía trong khỏi Xích bộ gọi là mạch Trường. Chủ người bẩm thụ cường tráng, bệnh đang cường.
– Hai phép này là do sự quá dài hai quá ngắn – hữu dư hay bất cập mà phân biệt mạch.
MẠCH TƯƠNG KIÊM
Cần phải ý thức rõ ràng, lý trí cho phân minh
1. Mạch Phù ( ngoài biểu )
– Mạch Phù mà thấy cả mạch Sác là : Biểu nhiệt
– Mạch Phù mà thấy cả mạch Trì là : Biểu hàn
2. Mạch Trầm ( trong lý )
– Mạch Trầm mà thấy cả mạch Sác là : Lý nhiệt
– Mạch Trầm mà thấy cả mạch Trì là : Lý hàn
Xét trong 4 điều: Biểu – Lý – Hàn – Nhiệt
– Thấy mạch Tế : Thuộc Hư
– Thấy mạch Đại: Thuộc Thực
Xét trong 6 điều: Biểu – Lý – Hàn – Nhiệt – Hư – Thực.
– Thấy mạch Đoản: Suy nhược
– Thấy mạch Trường: Cường thịnh
Đây là tóm tắt những phần cốt yếu của phép xem mạch. Thuộc được bấy nhiêu cho kỹ, nghĩ ngọi được cả 10 phần tinh vi, việc làm Thầy cũng như tiến tới được quá phân nữa.
Biên soạn – Lương y Trần Văn Căng