Lê Quí Đôn Bàn Về Trầm Hương

Tìm hiểu về Trầm Hương – Kỳ Nam

Lê Quý Đôn

  • Tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, quê ở làng Duyên Hà, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình.
  • Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm 1726. Thủa nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng, hai tuổi đọc được chữ hữu và chữ vô.
  • Năm tuổi đọc được nhiều bài trong Kinh Thi…Năm 18 tuổi, 1743, ông thi đỗ Giải Nguyên…Từ đó hoạn lộ của ông lên không ngừng.
  • Trong hành trình qua các tỉnh Trung Quốc, Lê Quý Đôn thấy trong văn thư bọn quan lại nhà Thanh dùng những tiếng “di quan di mục” (bọn quan lại của xứ man rợ) để chỉ phái đoàn sứ thần nước Đại Việt. Nên khi đến Quế Lâm, Lê Quý Đôn có viết cho bọn quan lại nhà Thanh ở Quảng Tây phản đối việc dùng những tiếng đó.
  • Quan lại nhà Thanh cho ý kiến của ông là hợp lẽ phải, liền thay đổi phép xưng hô. Từ đó, sứ thần Đại Việt được gọi là “An Nam cống sứ“…

Lê Quý Đôn (trong Phủ Biên Tạp Lục):

Lê Quí Đôn Bàn Về Trầm Hương

Kỳ Nam hương

Xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là tốt nhất; xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai. Hương ấy là do ở ruột của cây gió kết thành.

Gió có 3 loại:

  • Gió lưỡi trâu thì thành khổ trầm
  • Gió niệt thì thành trầm hương
  • Gió bầu thì thành kỳ nam hương

Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nhiều u bướu, thì biết ngay là có hương chặt mổ để lấy.

Họ Nguyễn trước đặt đội am sơn, hàng năm cứ tháng 2 thì đi tìm kiếm, tháng 6 thì trở về số được nhiều ít không nhất định.

  • Lấy sắc sáp trắng là tốt nhất, sắc xanh đầu vịt là thứ hai, sắc sáp xanh là kém nữa, sắc sáp vàng lại kém nữa, sắc như vằn hổ thì kém nhất.
  • Lấy chất mềm như phấn đông, có thể cắt thành miếng là hạng tốt nhất, bền rắn là hạng xấu.
  • Tục ngữ nói: “Nhất bạch, nhị thanh, tam hoàng, tứ hắc”. Muốn phân biệt trầm hương với kỳ nam thì lấy hình chất khí vị mà phân biệt.
  • Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng.
  • Kỳ nam thì thì mềm nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ chua, cay, ngọt, đắng.
  • Đốt trầm hương thì khói kết xoáy rồi sau mới tan. Đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài.

Tác dụng trị bệnh

Kỳ nam

  • Có thể chữa bệnh trúng phong, đàm xuyễn, cấm khẩu, mọi chứng, mài vào nước mà rỏ và đốt khói cho hơi hương vào mũi thì tỉnh lại ngay.
  • Đau bụng đầy tức thì ngậm là khỏi ngay. Lại có thể trừ được tà khí uế khí, nên trong chỗ hành dịch hành quân không thể không dùng.

Trầm hương

  • Chỉ có thể giáng khí.

Kiêng nhất là bọc bằng giấy, nên chứa bằng đồ sứ hay đồ thiếc, rồi lấy bẹ chuối bọc cho kín, phơi giữa chỗ mặt trời, đến chiều lấy ra thì nước dầu tiết ra. Cũng không nên phơi luôn. (Hiến Chương Nam của họ Nguyễn trước nói.)

Xét sách Thiên Nam Dư Hạ Tập chép hai nguồn Trà Đinh Ô Kim huyện Bồng Sơn, thôn Nha Ca nguồn Cầu Bông huyện Phù Ly và huyện Tuy Viễn, đều hằng năm cống kỳ nam hương, tức là thứ ấy.

Lại xét sách Sự Văn Loại Tụ, trang Hương Phổ chép rằng: Trầm hương cây giống như cây thông, cây gạo, có nhiều mắt, lấy thì trước chém gốc cây, để lâu năm vỏ và thân đều nát, ruột và mắt không nát là trầm hương. Cành nhỏ cứng chắc là thanh quý. Đen mà chìm xuống nước là trầm hương, nửa nổi nửa chìm là kê cốt hương, thô là tiên hương. Trầm hương sản xuất không phải ở một nơi, ở Chân Lạp là tốt nhất, ở Chiêm Thành thứ nhì, ở Bốt Nê là kém nhất.

Lấy trầm hương Chân Lạp mà kể thì lại có 3 bậc

  • Lục Dương là tốt nhất
  • Tam Lạc là thú nhì
  • Bột La Cương là kém nhất.
  • Sắc thì: đen rắn là tốt nhất, sắc vàng là thứ hai. Có thứ hình dạng như sừng tê, có thứ như miệng én, có thứ như phụ tử, có thứ như cái thoi
  • Hương thì: đại khái sinh kết là tốt nhất, thục thoát là thứ hai.

Lại Sách Bản Thảo Bị Yếu nói rằng: Trầm hương cay đắng, tính ôn, các gỗ đều nổi, chỉ trầm hương là chìm, cho nên hay hạ khí mà sa đờm rãi, hay giang khí mà cũng hay thăng khí, hương khí vào tỳ, cho nên hay trị được các khí mà hay điều hòa, sắc đen thể thơm, cho nên vào mạnh môn hữu thận, ấm tinh tráng dương, hành khí chứ không thương khí, ôn trung không trợ hỏa, trị lòng bụng xói đau, cấm khẩu, độc lỵ, uất kết, tà khí, sợ gió lạnh, bệnh tê, bệnh lỵ.

Sắc đen mà chìm xuống nước là tốt, Thơm ngọt thì tính bình, Cay thì nóng. Có vân như đốm đa đa thì gọi là hoàng trầm, Đen như sừng trâu thì gọi là giác trầm; nhấm mềm, gọt quăn thì gọi là hoàng lạp trầm, thứ này khó được.

Nổi thì gọi là tiển hương; nửa chìm thì gọi là tiễn hương kế cốt hương; tuy chìm mà lòng rắn thì cũng không dùng được. Trộm ngờ kỳ nam hương tốt nhất, tức là hoàng lạp trầm, hạng thứ là loại hoàng trầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *