Ngãi Diệp, Ngãi Cứu: 艾叶
Tên khoa học: Folium Artemisiae Argyi
Danh pháp: Artemisia vulgaris
Tên khác: thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải (tiếng Tày), quá sú (H’mông), cỏ linh li (Thái)
Họ :Cúc (Asteraceae).
Mô tả
Thuộc nhóm Cây cỏ, sống nhiều năm, cao 0,4 1m, cành non có lông. Lá mọc so le, phiến lá xẻ lông chim, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới màu trắng xám, có lông. Vò nát có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt, mọc tập trung thành từng chùm kép ở đầu cành. Quả bế nhỏ, không có túm lông.
Tính vị qui kinh
Vị đắng cay, tính ôn. Qui kinh Can, Tỳ, Thận, các sách thuốc cổ đã ghi như sau:
- Sách Danh Y Biệt Lục: Vị đắng hơi ôn, không độc.
- Sách Tân Tu Bản Thảo; sinh hàn, thục nhiệt ( dùng sống thì lạnh, dùng chín thì nóng).
- Sách Bản Thảo Cương Mục: sống thì hơi đắng rất cay, chín thì rất đắng mà ít cay, sống thì ôn mà chín thì nóng; nhập túc thái âm, quyết âm, thiếu âm.
- Sách Bản Thảo Tân Biên: nhập tỳ, thận, phế.
- Bản Thảo Tái Tân: nhập hai kinh Tâm, Thận.
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền
- Dược Tính Chỉ Nam: Thuốc có tác dụng ôn kinh chỉ huyết, tán hàn chỉ thống, trừ thấp. Do đó thuốc có thể trị các chứng băng lậu, có thai ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, kinh nguyệt không đều, bụng lạnh đau, hành kinh đau bụng, khí hư do hàn, chứng vô sinh ( do tử cung lạnh), thấp chẩn, ngứa ngoài da. Thuốc còn dùng trong khoa châm cứu để ôn châm và cứu.
- Sách Danh y biệt lục: ” chủ cứu bách bệnh, nôn ra máu, lở ngứa hạ bộ, trị phụ nhân lậu huyết, lợi âm khí, sinh cơ nhục, trừ phong hàn để có con. Sắc uống hoặc cho vào thuốc làm hoàn tán đều được.”
- Dược tính bản thảo: trị băng huyết, an thai, cầm đau bụng, trị xích bạch đới hạ và ngũ tạng ra máu.
- Sách Thực liệu bản thảo: trị kim sang, băng trung, hoắc loạn, thai lậu.
- Sách Nhật hoa tử bản thảo: trị hoắc loạn chuyển cân, tâm thống, tị hồng (chảy máu cam), đới hạ.
- Sách Bản thảo cương mục: Ngãi phụ hoàn trị các chứng tâm phúc tiểu thống. Giao ngãi thang trị hư lao, phụ nữ ra huyết sau sanh rất công hiệu. Người già khí đơn điền hư yếu, bụng rốn sợ lạnh dùng Ngãi Cứu cho vào bao đắp lên rốn rất công hiệu. Hàn thấp cước khí dùng ngãi cứu rất tốt.”
- Sách Bản Thảo Hội Ngôn: Ngãi diệp là vị thuốc làm ấm huyết ôn kinh, hành khí khai uất. Những bệnh do đờm ẩm tích tụ, háo suyễn khí nghịch, cốt chưng bỉ kết, ung thư tê liệt, loa lịch kết hạch dụng cứu có kết quả. Cho vào thuốc sắc, hoàn tán, thuốc có tác dụng ôn trung trừ thấp, điều kinh mạch, làm mạnh tử cung nên nữ dùng nhiều.
- Sách Cảnh nhạc toàn thư, bản thảo chính: Ngãi vị hơi đắng, khí cay, dùng tươi hơi ôn, dùng chín hơi nhiệt, thông 12 kinh đặc biệt là thuốc của Can, Tỳ, Thận. Thiên về ôn trung, trục lãnh, trừ thấp, hành khí trong huyết, dùng tốt nhất với phụ nữ khí huyết hàn trệ nhờ vậy thuốc có tác dụng an thai, trị tâm phúc thống, đới hạ, huyết băng, làm ấm lưng gối, cầm thổ huyết, hạ lợi, trừ phong hàn, hàn thấp, chướng ngược hoắc loạn, chuyển cân và tất cả các loại thuốc lãnh khí.
Kết quả nghiên cứu theo dược lý hiện đại
- Tác dụng cầm máu: Nước ngâm kiệt Ngãi diệp cho thỏ uống có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Thuốc chích ổ bụng hoặc tĩnh mạch cho chuột nhắt đều có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch.
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc của thuốc trong ống nghiệm có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, liên cầu alpha dung huyết, phế song cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lị sonne , trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn, khuẩn thổ tả và nhiều loại nấm gây bệnh. Khói Ngãi diệp xông trong không khí có thể làm cho các khuẩn lạc giảm 95 99,8%. Cấy khuẩn làm mủ thông thường vào một bình cấy rồi xông khói Ngãi diệp trong 10 phút, toàn bộ vi khuẩn không sinh trưởng được. Khói của Ngãi diệp có tác dụng ức chế các loại virút như : quai bị, cúm, rhinovirus, adenovirus, virus mụn phỏng…
- Tác dụng hạ cơn suyễn: Bơm dầu Ngãi diệp vào dạ dày, chích bắp hoặc phun sương đều có tác dụng làm giản cơ trơn khí quản của chuột lang, thuốc có tác dụng đối kháng với acetylcholin, histamin làm co thắt cơ trơn khí quản.
Tác dụng giảm ho: dầu Ngải diệp thụt vào bao tử hoặc chích ổ bụng có tác dụng giảm ho đối với súc vật thí nghiệm như mèo, chuột, chuột lang. - Tác dụng hóa đàm: dầu Ngãi diệp bơm vào bao tử, chích dưới da hoặc ổ bụng đều có tác dụng hóa đàm đối với thỏ và chuột nhắt. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên phế quản kích thích xuất tiết.
Những tác dụng khác: Dầu Ngãi diệp có tác dụng an thần của Barbital sodium, nước sắc Ngãi diệp có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập của thỏ, dầu Ngãi diệp có tác dụng chống choáng chuột lang do dị ứng huyết thanh. - Độc tính của thuốc: LD50 của dầu Ngãi diệp thụt vào dạ dày chuột nhắt là 2,47ml/kg, chích ổ bụng là 1,12ml/kg của nước sắc Ngãi diệp chích ổ bụng là 23g/kg. Dầu Ngãi diệp phun sương, mỗi ngày 2 lần trong 30 ngày có thể gây viêm phổi kẽ cho thỏ.
Thành phần chủ yếu:
Cineole, Terpinen-4-01, beta-caryophyllene, amisia alcohol, camphor borneol,linalool. trong tinh dầu của Ngãi diệp có 30% là cineol ( eucalyptol).
Ứng Dụng:
Ngải Cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu…
Tăng sức khỏe cho cơ thể: Dùng nhiều lá ngải cứu tươi hoặc khô cho vào túi lọc rồi cho nước nóng chảy qua trước khi chảy vào bồn tắm. Làm theo cách này có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.
Trị mụn trứng cá: Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho bạn làn da mịn màng và trắng hồn.
Kinh nguyệt không đều: Hàng tháng trước ngày kinh dự kiến và cả những ngày đang có kinh, lấy 10gr, lá ngải cứu khô sắc với 200ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 2 lần/ngày, nếu khó uống có thể nêm một ít đường.
Giúp an thai: Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai.
Những người kiệt sức hay các bà mẹ đang cho con bú: Lấy 5 cành lá ngải cứu tươi (hoặc khô), rửa sạch, băm nhỏ, pha với một cốc nước sôi, uống hàng ngày sẽ mau hồi phục sức khỏe.
Trị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy ở trẻ: Với những trẻ nhỏ thường hay bị rôm sảy, xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày, các nốt ngứa sẽ lặn mất.
Món ăn với ngải cứu
Món ăn bài thuốc
Canh ngải cứu nấu thịt nạc
Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh…). Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng.
Trứng gà tráng ngải cứu
Giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.
Gà tần ngải cứu
Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ từ, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.