Rau Diếp Cá

Tên khác:  Trắc Nhĩ Căn (侧耳根, Trư Tị Khổng(猪鼻孔), Xú Thảo (臭草), Ngư Linh Thảo(鱼鳞草)
Lá diếp, Rau giấp cá, Tập thái, Ngư tinh thảo, Co vảy mèo (Thái), Rau vẹn, Phjắc hoảy (Tày), Cù mua mía (Dao)

Tên khoa học:
Houttuynia cordata Thunb.
Họ: Lá giấp – Saururaceae.
Giấp cá (Saururaceae)
Tên nước ngoài: Tsi (Anh), Houttuynia (Pháp)

Mô tả

Cỏ, cao 40 cm, tiết diện thân đa giác, màu xanh pha tía, ở gần các mấu có màu đỏ tía, toàn cây có mùi tanh. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá nguyên hình tim, kích thước 4-6,5 x 3-5 cm, màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới. Gân lá hình chân vịt với 5-7 gân chính nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá hình lòng máng, dài 3-3,5 cm, màu xanh, 2 mép cuống lá có màu đỏ tía. Lá kèm dạng màng dài khoảng 1,4 cm, dính vào cuống lá một đoạn 1cm; màu xanh, 2 mép bên và phần giữa màu trắng, có những sọc dọc màu đỏ tía. Cụm hoa: dạng bông, trục phát hoa có tiết diện tam giác, dài 4,5 cm, màu xanh. Cụm hoa dài khoảng 1cm, tổng bao lá bắc gồm 4 lá bắc hình bầu dục màu trắng, kích thước 0,8-1 x 0,4 – 0,6 cm; xen kẽ 4 lá bắc lớn có 4 lá bắc nhỏ hơn phía trong, kích thước không đều 2-5 x 0,75- 1 mm. Hoa trần, lưỡng tính, lá bắc dạng vảy nhỏ cao 1 mm, màu trắng. Nhị 3, rời, đính trên đế hoa, chỉ nhị dạng sợi dài 1 mm, màu trắng xanh. Bao phấn hình chữ nhật, màu vàng, dài 1 mm, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính đáy. Hạt phấn rời, hình bầu dục, màu vàng nhạt có rãnh dọc ở giữa. Lá noãn 3, bầu trên 1 ô, bầu noãn màu xanh lục nhạt có 3 thùy ở đỉnh, nhiều noãn, đính noãn bên. 3 vòi nhụy hình sợi, dài 0,5 mm, màu trắng xanh; 3 đầu nhụy dạng điểm màu nâu nhạt.

Phân bố, sinh học và sinh thái:
Cây mọc trên đất ẩm trong thung lũng, ven suối, bờ mương. Phân bố khắp các tỉnh miền núi.
Mùa hoa quả: tháng 5-7

Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Houttuyniae), thường gọi là Ngư tinh thảoVị tân, tính hàn.

Quy Kinh:  phế.

Công dụng và chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, tiêu nhọt , lợi tiểu thông lâm, chữa nhọt phổi, ho đàm nhiệt, nhiệt lị, ung thủng sang độc.

Cách dùng và liều dùng: mỗi lần dùng từ 15 đến 25 gam,

Bảo quản: nơi khô.

Ghi chú: Diếp cá có tác dụng thanh nhiệt giải độc khá tốt khi kết hợp với cát cánh, tiển lô căn, qua lâu bì, đông qua tử, sinh dĩ nhân (ý dĩ), đào hoa,

Thành phần hóa học: 
Toàn cây Diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là aldehyd và dẫn xuất nhóm ceton như methyl-n-nonyl ceton, l-decanal, l- dodecanal là những chất không có tác dụng kháng khuẩn; 3oxododecanal là chất có tác dụng kháng khuẩn. Nhóm terpen: bao gồm camphen, myrcen, α-pinen, limonen, linalol…Ngoài ra còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acidhexadecanoid, acid decanoic, acid palmetic, lipid và vitamin K…
Lá Diếp cá có chứa β-sitosterol, alcaloid: cordalin và các flavonoid: afzelin, hyperin, rutin, isoquercitrin và quercitrin.

Tác dụng dược lý – Công dụng:
Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoạc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng.
Ở Trung Quốc, Diếp cá được dùng trong trường hợp viêm mủ màng phổi, trong thử nghiệm điều trị ung thư phổi; đắp ngoài chữa dị ứng, mẩn ngứa, mề đay, làm thuốc chữa khó tiêu và thuốc bó những chỗ bị tổn thương để kích thích sự phát triển của xương. Cao chiết của rễ Diếp cá có tác dụng lợi tiểu do tác dụng của quercitrin và các muối vô cơ. Ở Nepal, Diếp cá được dùng trong một số chế phẩm chữa bệnh cho phụ nữ. Cả cây được coi như thuốc làm mát, tiêu độc, chữa khó tiêu và điều kinh. Lá được dùng trị bệnh lỵ, bệnh lậu, bệnh về da, về mắt. Cao chiết từ rễ có tác dụng lợi tiểu.

Ở Thái Lan Diếp Cá được ứng dụng rất nhiều trong y học. Y học thái lan sử dụng Diếp cá trong việc phát triển thuốc cho công tác phòng chống và điều trị để tăng cường sức khỏe. Nó giúp tăng cường hệ miễn dịch và ức chế tăng trưởng tế bào ung thư, sau khi đều trị xạ trị và phẩu thuật. Ở Thái diếp cá kết hợp với Trà xanh là 1 loại nước uống chữa nhiễm cổ tử cung, ho, hen suyễn, viêm đại tràng, viêm dạ dày, loét, nhiễm trùng, ban đỏ dạ dày.
Một số bài thuốc dùng diếp cá:
Điều trị sỏi thận: diếp cá, kim tiền thảo, râu bắp, trúc diệp nấu nước uống vào buổi sáng hoặc trưa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *