Tên khoa học: ( Rhizoma cyperi rotundi )
Các tên khác: cây Cỏ cú, củ gấu.
Biệt danh: 大香附Đại Hương Phụ, 水香稜 Thủy Hương Lăng, 地藾草 Địa Lại Thảo.
Thuộc họ: Cối
Tính vị qui kinh:
Vị cay hơi đắng, hơi ngọt, tính bình. Qui kinh: Can – Tam tiêu – Tỳ ,Vị.
Theo các sách cổ:
Sách Danh y biệt lục: vị ngọt hơi hàn không độc.
Sách Trần Nam bản thảo: tính hơi ấm, vị cay.
Sách Bản thảo cương mục: khí bình, vị cay hơi đắng, hơi ngọt. Qui kinh Thủ túc Quyết âm, thủ thiếu dương, kiêm hành 12 kinh nhập mạch phần khí.
Sách Lôi công bào chế dược tính giải: nhập 4 kinh: Phế, can, tỳ, vị.
Sách Bản thảo cầu chân: chuyên nhập can đởm kiêm nhập phế.
Mô tả cây: hương phụ có 2 loại . Hương phụ vườn và hương phụ biển (tức cây củ gấu biển hải hương phụ Cyperus stoloniferus Retz,).
Cây hương phụ vườn, chỉ cao độ 20-60cm, thân rễ nhỏ, dài độ 2-3cm, ngang khoảng 0,5-0,6cm, có lớp vỏ ngoài đen bóng, bên trong màu trắng thơm đặc trưng. Lá nhỏ hẹp ở giữa sống lá có gân nổi lên cứng và bóng, phần phía dưới lá ôm sát lấy cây. Hoa hình tán, màu xám nâu, lưỡng tính. Quả 3 cạnh màu xám.
Khác với hương phụ vườn, hương phụ biển có thân rễ to hơn, dài đến 5-6 cm, ngang 0,5-1cm, vỏ màu hơi nâu, bên trong xốp hơn và màu hơi nâu nhạt, ít thơm so với hương phụ vườn.
Phân bố:Hương Phụ Biển có mọc nhiều ở các bãi biển nước ta như ở các bãi cát ven biển Móng Cái, bãi biển Tiền Hải –Thái Bình, Nam Định. Trên thế giới, hương phụ có khoảng 700 loài, phân bố ở châu Âu, châu Á (Trung Quốc,Triều Tiên, Nhật Bản, Indonesia…), châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Ở Việt Nam, hương phụ có khoảng 45 loài, trong đó có loài hương phụ vườn và hương phụ biển. Hương phụ sống rất khỏe nhờ thân rễ, do đó nó có thể mọc và phát triển được ở mọi loại đất, mọi loại địa hình, trừ ở những nơi có độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Đặc biệt, hải hương phụ có thể chịu hạn, chịu nắng, gió và chịu mặn rất tốt.
Thành phần chủ yếu:
Trong thân rễ, tinh dầu 0,3-2,8%. Trong đó, có cyperen, β caryophylen, selinen, cyperotundon, cyperolon, caryophylen oxyd, patchoulenon, isopatchoul. Khi chế biến, tinh dầu giảm 40-50%. Flavonoid: 1,25%, tanin: 1,66%, các acid phenol (acid p.coumaric, acid ferulic, acid vanilic, acid p.hydroxybenzoic), alkaloid 0,21-0,24%, glycoside tim 0,62-0,74%, protein 5%, vitamin 8,8%mg, chất béo 2,98% mg, các loại đường nhiều yếu tố vi lượng.Tác dụng dược lý:
1.Theo Y học cổ truyền:
Hương phụ có tác dụng sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống. Chủ trị các chứng: Can khí uất trệ, sán khí thống, kinh nguyệt không đều, thống kinh, nhủ phòng trướng thống.
Trích đoạn Y văn cổ:
Sách Danh y biệt lục: “Chủ hưng trung nhiệt, sung bì mao, cứu phục lợi nhân, trưởng tu mi”.
Sách Thang dịch bản thảo: ” Hương phụ huyết trung chi khí dược dã. Dùng trong bài thuốc băng lậu, là thuốc ích khí mà chỉ huyết cũng có thể khử huyết ngưng. Cùng Ba đậu dùng trị tiết tả không cầm cũng trị đại tiện không thông là cùng một ý.”
Sách Bản thảo cương mục: ” lợi tam tiêu giải lục uất, tiêu ẩm thực tích tụ, đàm ẩm bí mãn, phù thũng phúc trướng ( mu bàn chân phù, bụng trướng), cước khí, các chứng đau tim, dau bụng,đau lợi răng,đau chân tay, đầu mặt, tai…, phụ nhân băng lậu đới hạ, kinh nguyệt không đều, bách bệnh của phụ nữ trước và sau sinh.”
Sách Bản thảo cầu chân: “Hương phụ chuyên khai uất tán khí cùng Mộc hương hành khí, mao đồng thực dị ( bên ngoài giống mà thực chất khác). Mộc hương đắng nhiều nên thông khí mạch, Hương phụ đắng không nhiều nên giải uất tốt.”
Cách Chế:
Trước khi dùng, hương phụ cần được rửa sạch loại bỏ tạp chất, sau đó chế biến bằng cách giã dập, sàng sẩy, bỏ các lớp lông và vỏ ngoài. Rồi tiến hành chế biến bằng cách chích với các phụ liệu: nước vo gạo, đồng tiện, giấm ăn, rượu, gừng, muối, nước cam thảo. Nếu chích với một phụ liệu, gọi là nhất chế và lần lượt, sẽ có nhị chế, tam chế và thất chế. Với mỗi loại phụ liệu, sẽ có một tác dụng khác nhau. Ví dụ hương phụ, chích muối, chữa bệnh về huyết, chích đồng tiện có tác dụng giáng hỏa, chích cam thảo, có tác dụng hoãn giải tỳ,vị, chích giấm tác dụng trị tước kinh. hương phụ tứ chế, dùng chữa bệnh phụ nữ…
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
Thuốc có tác dụng ức chế tử cung, gần như Đương qui tố nhưng yếu hơn. Tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ. Vì thế mà Hương phụ thường dùng làm thuốc điều kinh.
Cồn chiết xuất Hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh.
Thuốc có tác dụng cường tim và hạ áp. Cồn chiết xuất Hương phụ có tác dụng ức chế trực tiếp cơ trơn của hồi tràng.
Tinh dầu Hương phụ có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lị Sonner. Chất chiết xuất thuốc có tác dụng đối với một số nấm.
Một số nghiên cứu dươc lý của thân rễ hương phụ có đặc tính như thuốc an thần.
Nghiên cứu của Đại Học Giao Thông Thượng Hải cho thấy tinh dầu từ rể tươi của củ gấu có tác dụng chống đau rất hiệu quả.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị đau sườn ngực và đau bao tử cơ năng:
- Tiểu ô trầm thang: Hương phụ 8g, Ô dược 10g, Cam thảo 4g sắc uống.
Lương phụ hoàn: Hương phụ, Lương khương đều 10g, sắc uống, trị vị hàn khí thống. Dùng Hương phụ 10g, Diên hồ sách 8g, sắc uống trị đau ngực sườn.
2.Trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt:
Tứ chế Hương phụ hoàn: Hương phụ 4 phần bằng nhau chế 4 cách khác nhau: ngâm muối, giấm, rượu, đồng tiện, sao tán bột làm hoàn.
Hương phụ, Ngải diệp, Trần bì đều 15g, Nguyệt quí hoa 2 đóa sắc uống, hoặc Hương phụ 20g, Ích mẫu thảo 10g, sắc uống trị đau bụng kinh.
3.Trị rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon:
Hương sa dưỡng vị hoàn – thang: Hương phụ 6g, Sa nhân 3g, Mộc hương 5g, Chỉ thực 6g, Đậu khấu nhân 5g, Hậu phác 10g, Hoắc hương 5g, Bạch truật 10g, Trần bì 10g, Phục linh 10g, Bán hạ 10g, Cam thảo 3g, Sinh khương 10g, Táo 5 quả sắc uống trị tỳ vị hư nhược, ăn kém ngon, nôn, tiêu chảy, bụng đầy.
Liều dùng và chú ý lúc dùng:
Liều uống 6 -12g sắc hoặc cho vào thuốc cao, hoàn, tán. Dùng ngoài đắp tùy yêu cầu.
Chú ý: Không dùng cho bệnh nhân âm hư huyết nhiệt, khí hư . Không có khí trệ không dùng.