Quả Cam ( Cam Tử )
Tên khoa học: Citrus Nobilis
Tính chất: Khí hàn, vị cam , không độc.
Công hiệu: Quả cam thông lợi được nhiệt độc ở trong dạ dày, hay trong ruột.
Tính nó giải được các thứ độc của Đan Thạch, nó làm cho khỏi được chứng khát nước ghê gớm, nó lại lợi được tiểu tiện.
Phần tham khảo tư liệu
Cam ăn dẫu mát nhưng không nên ăn nhiều quá, làm cho người ta phổi phải lạnh rồi sinh ra nhiều đờm. Tỳ bị lạnh thi sinh ra bệnh tích. Đại tràng bị lạnh thì sinh ra chứng tả hay là phát ra chứng mồ hôi trộm.
Cam Thật Bì
( Vỏ quả cam)
Tính chất: Khí hàn, vị cay và ngọt, không độc
Chữa được những chứng người đàn bà sau khi sinh nở rồi tự nhiên thấy phù thịt.
Dùng: Cam Thật Bì làm ra bột mà uống với rượu mỗi lần 2 đồng cân là khỏi.
Thời nhà Đường, ông Trần Tang Khí viết trong sách bản thảo thập di bàn về vị Cam Thật Bì như sau.
Cam Thật Bì tính nó hạ được khí xuống, điều hòa được trung nguyên.
Sách chư gia bản thảo nói về Cam Thật Bì rằng:
Nó giải được độc của rượu và giải được chứng khát nước vì uống rượu nhiều quá. Khi dùng Cam Thật Bì nên bóc bỏ bớt lằn trắng ở trong đi, rồi đem bồi khô tán thành bột nhỏ, đem hòa vào với nước sôi lại cho vào 1 chút muối mà uống.
Ông Lý Thời Trân viết trong sách bản thảo cương mục nói rằng:
Cam Thật Bì chữa được chứng thương hàn, chứng ăn uống khó tiêu, chứng lao thương hay lao phục, nấu nước Cam Thật Bì mà uống.
Chú ý: Vỏ cam không nên dùng nó nhiều quá có hại, nó sẽ làm cho người ta phổi bị ráo.
Cam Thật Hạch (Hạt cam)
Hạt quả cam người ta chỉ dùng làm thuốc bôi ngoài da như là thuốc để chữa những mụn con hay nổi trên mặt.
Cam Thụ Diệp ( Lá cây cam )
Lá cây cam chữa được chứng thối tai, chảy ra nước vàng hoặc chảy ra mủ máu.
Dùng: Đọt lá non của cây cam 7 lá rửa sạch giã vắt lấy nước cốt mà rỏ vào tai là khỏi thối.
Trích Dược Tính Chỉ Nam